Sự nghiệp sân khấu Marcel Marceau

Nhân vật Bip

Marcel Marceau trong vai diễn chú hề Bip.

Năm 1947, ông sáng tạo ra nhân vật "Bip", thay đổi một chữ trong "Pip", tên một vị anh hùng yêu thích của ông trong tác phẩm Great Expectations của Charles Dickens[7]. Đó là một chú hề lúc nào cũng mặc áo chui đầu có sọc dường như quá ngắn, một chiếc quần dường như quá dài và đội một chiếc mũ chóp méo mó có gắn trên đó một bông cẩm chướng đỏ - để biểu thị cho sự mong manh nhưng cũng rất ngọt ngào của cuộc đời. Ông luôn trang điểm cho nhân vật của mình một khuôn mặt trắng, dựa trên nhân vật Pierrot của Jean-Gaspard Deburau và cũng để nhớ đến phong cách kịch câm của Pháp trong thế kỷ 19.

Nhân vật Bip luôn gặp tai nạn với tất cả mọi thứ và ở tất cả mọi nơi: từ con bướm đến con sư tử, trên xe lửa hay trên thuyền, từ sàn nhảy cho đến hàng ăn. Giống như Pedrolino của Commedia dell'ArtePierrot của Deburau, Bip có một địa vị thấp kém, nhưng lại luôn luôn mơ về một điều gì đó tốt đẹp hơn. Trong một số tác phẩm như Bip đóng David và Goliath, Bip mơ mình là Don Juan, và Bip, Ngôi sao lớn của rạp xiếc, anh ta lại có những sự tưởng tượng đầy tính trẻ con. Marcel luôn để cho Bip được mơ mộng, nhưng lúc nào ông cũng bắt anh ta quay trở lại tận cùng của Trái Đất. Bip đầy sáng tạo, cũng rất dễ xúc động và dễ tổn thương, nhưng chính sự đơn giản của anh ta đã cho phép anh ta chịu đựng được mọi bất hạnh và vẫn giữ được tình yêu với cuộc đời. Ông đã từng so sánh nhân vật Bip với Don Quixote, người đã dám chống lại cả cối xay gió dù với khả năng bất lực[7].

Giống như Little Tramp của Charlie Chaplin, chú hề Bip đã trở thành một cái tôi khác (alter ego) của Marcel Marceau. "Sinh ra trong trí tưởng tượng của tuổi thơ tôi", Marceau đã viết: "Bip là một người hùng lãng mạn và hài hước trong thời đại của chúng ta. Anh ấy không chỉ nhìn hướng về thiên đường, mà còn vào tận trong trái tim của con người"

Những sáng tạo khác

Những động tác kịch câm của Marcel bắt nguồn từ những sáng tạo của Etienne Decroux và Jean-Louis Barrault, những người đã làm việc không mệt mỏi trong suốt những năm 1930 để tìm ra những vận động mang tính kịch của con người. Những thành quả này đem đến kĩ thuật, sự cách điệu mà cho phép những nghệ sĩ kịch câm có thể trở thành những người "làm hữu hình sự vô hình", theo câu nói của Decroux[7].

Poster của Marcel Marceau trên một đường phố ở Paris

Khi Marcel giới thiệu những tác phẩm tương tự của ông, chúng về bản chất là những chuỗi động tác ngắn, với mục đích làm khán giả phải kinh ngạc với những kĩ năng của nghệ sĩ kịch câm và khiến họ đánh giá đúng những động tác này khi tách biệt với nội dung vở kịch. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như Đi ngược gió, Cái cũi, Thợ làm mặt nạ, hay Trong công viên..., là sự châm biếm với tất cả mọi thứ, từ người thợ điêu khắc đến anh chàng đấu bò, được coi là những tác phẩm của thiên tài. Trong tác phẩm Tuổi trẻ, trưởng thành, tuổi già và cái chết miêu tả tuổi tác của con người, một nhà phê bình đã viết: "Ông ấy đã hoàn thành chỉ chưa đầy hai phút tất cả những gì mà hầu hết các tiểu thuyết gia không thể làm trong một bộ sách"[8]. Michael Jackson đã mô phỏng động tác Đi ngược gió (Walking against the wind) trong bước đi "moonwalk" nổi tiếng của mình[9].

Năm 1949, sau khi nhận giải thưởng kịch câm danh giá mang tên Deburau (thành lập để tưởng nhớ huyền thoại kịch câm Jean-Gaspard Deburau) cho vở kịch thứ hai mang tên Mort avant l'Aube (Chết trước bình minh), Marceau đã sáng lập công ty Compagnie de Mime Marcel Marceau của riêng mình - là công ty kịch câm duy nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Đoàn của ông đã diễn tại những nhà hát hàng đầu của Paris như Théâtre des Champs-Élysées, Théâtre de la Renaissance và Théâtre Sarah-Bernhardt, cũng như nhiều nhà hát khác trên khắp thế giới. Từ 1959-1960, những vở kịch ông biểu diễn, trong số đó có Le Manteau (Chiếc áo choàng) dựa trên tác phẩm của Gogol, đã chiếm lĩnh nhà hát Amibigu Theatre ở Paris trong suốt cả năm. Tổng cộng ông đã sản xuất 15 vở kịch câm, trong dó có Pierrot de Montmartre, Un soir aux Funambules (Buổi tối đi trên dây), Les Trois Perruques (3 bộ tóc giả), Le 14 Juillet (Ngày 14 tháng 7), Paris qui Rit, Paris qui Pleure (Paris cười, Paris khóc), Con sói của Tsu Ku Mi và Don Juan (dựa trên tác phẩm của Tirso de Molina).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marcel Marceau http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197... http://www.bodecker-neander.com http://www.cnn.com/2007/SHOWBIZ/09/26/france.marce... http://www.escuelademimo.com http://www.filmreference.com/film/35/Marcel-Marcea... http://www.imdb.com/name/nm0545131/ http://www.nytimes.com/2007/09/24/arts/24marceau.h... http://www.oneforthetable.com/oftt/stories/walking... http://www.salon.com/people/bc/1999/07/27/marceau/ http://ecolemarcelmarceau.free.fr/